Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 – 100.000 ca mỗi năm, trong đó có hàng chục ca tử vong do sốt xuất huyết. Vậy có vắc xin phòng sốt xuất huyết không? Những ai được chỉ định tiêm ngừa sốt xuất huyết? Cùng ECO Pharma tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới, do virus Dengue gây ra. Loại virus này có bốn chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm từ một đến 4 chủng virus và tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Vì vậy, một người có thể bị sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Trên thế giới, sốt xuất huyết xuất hiện trên 100 quốc gia, chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh này lưu hành nhiều ở một số khu vực của châu Mỹ, châu Phi, phía Đông Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong đó Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là hai khu vực có dịch sốt xuất huyết nặng nề nhất.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Dịch xuất hiện chủ yếu ở phía Nam nước ta. Bệnh cũng thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 tại miền Bắc và Tây Nguyên.
Có hai loài muỗi lây truyền sốt xuất huyết thuộc họ chi aedes là aedes albopictus và aedes aegypti. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền sốt xuất huyết ở muỗi aedes albopictus thấp hơn, vì thế khi nói đến muỗi sốt xuất huyết người ta thường chú ý đến loài aedes aegypti. Đây là muỗi vằn có màu đen sẫm, thân và chân muỗi có các đốm trắng, dài 4 – 7mm. Aedes aegypti thường sống ở khu vực tối, hay đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước và những vị trí có nước đọng. Trứng của loài muỗi này có thể tồn tại đến một năm trong điều kiện rất khô nhưng sau khi gặp nước, nó sẽ nở ngay lập tức.
Sau khi muỗi aedes aegypti hút máu của người bị nhiễm virus Dengue, virus này sẽ nằm dưới tuyến nước bọt của muỗi và ủ bệnh trong thời gian khoảng 10 – 12 ngày. Sau đó muỗi đốt và truyền virus này sang cơ thể người khác. Muỗi là loài vật thường xuyên thay đổi vật chủ, chúng đốt hết người này đến người khác làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho nhiều người và tạo thành dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Sốt xuất huyết có hai mức độ bệnh là thể nhẹ và thể nặng. Những triệu chứng cụ thể của hai thể sốt xuất huyết này như sau:
Triệu chứng của sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm sốt xuất huyết thể nhẹ là sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn, đau khớp, thường kéo dài từ 4 – 7 ngày. Nếu người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể hết bệnh sau khoảng một tuần kể từ khi sốt.
Người bị sốt xuất huyết thể nặng sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ kèm theo các triệu chứng khác như: xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng, nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân, đau bụng, chân tay lạnh, mệt mỏi li bì. Người bị sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến di chứng nặng về sau, thậm chí tử vong.
Hiện nay, có hai loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết được lưu hành trên thế giới là Dengvaxia và QDENGA. Bởi vì virus Dengue có đến 4 chủng huyết thanh nên việc sản xuất một loại vắc xin có khả năng phòng ngừa cả bốn loại không phải là một điều dễ dàng.
Dengvaxia là vắc xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, được sản xuất bởi hãng dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp. Loại vắc xin này có thể ngăn chặn sự phát triển của cả bốn loại virus sốt xuất huyết, có tỷ lệ phòng bệnh khoảng 60.8%. Vắc xin Dengvaxia được chỉ định ba liều tiêm dưới da, mỗi liều tiêm 0.5ml và tiêm cách nhau 6 tháng để được bảo vệ tốt nhất trước bệnh sốt xuất huyết.
Dengvaxia được nghiên cứu suốt 20 năm với sự thử nghiệm của 17 quốc gia. Tháng 12 năm 2015, Mexico là quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vắc xin này cho người thuộc độ tuổi 9 – 45 đang sinh sống ở vùng có dịch. Tháng 5 năm 2019, Dengvaxia được FDA Hoa Kỳ chính thức thông qua. Năm 2011 tại Việt Nam, Viện Pasteur đã nghiên cứu vắc xin này trên 2.336 trẻ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy vắc xin có hiệu quả cao đối với trẻ ở độ tuổi 9 – 16 đã từng nhiễm sốt xuất huyết trước đó.
Các thử nghiệm đã đánh giá việc sử dụng đồng thời Dengvaxia với các loại vắc xin khác, bao gồm sốt vàng da, bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào (DTaP), bại liệt bất hoạt, Haemophilusenzae loại b và a, sởi, quai bị và rubella (MMR). Kết quả thử nghiệm cho thấy không có ảnh hưởng gì khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết cùng với các loại vắc xin này.
Dengvaxia có hiệu quả trong việc giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 6 – 45 tuổi đã từng nhiễm bệnh trong quá khứ. Tác dụng phụ của Dengvaxia thường nhẹ hoặc trung bình và không kéo dài quá ba ngày. Do đó, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã quyết định rằng lợi ích của Dengvaxia lớn hơn rủi ro của nó và vắc xin này có thể được cấp phép sử dụng ở EU ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành. (1)
Vắc xin ngừa sốt xuất huyết QDENGA được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Dược phẩm Takeda, Nhật Bản. Vắc xin này phòng ngừa được toàn bộ bốn chủng virus Dengue đang gây hại trên toàn thế giới và sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên.
Đây là loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết được phê duyệt thứ hai trên thế giới chỉ sau Dengvaxia. Hiện nay, QDENGA được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vắc xin QDENGA được phát triển dựa trên cơ chế gây bệnh của chủng DEN-2, từ đó bổ sung thêm ADN của 3 chủng còn lại (DEN-1, DEN-3 và DEN-4). Những thử nghiệm cho thấy vắc xin có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch ở các mức độ khác nhau đối với cả bốn chủng virus Dengue.
Người chủ trì chương trình sốt xuất huyết của Công ty Takeda – ông Derek Wallace cho biết, qua nhiều thử nghiệm và nghiên cứu cho thấy QDENGA không gây ra bất kỳ lo ngại nào về vấn đề an toàn sức khỏe con người. (2)
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có vắc xin sốt xuất huyết và chưa xác định được rõ thời gian khi nào nước ta chính thức sử dụng loại vắc xin này. Tuy nhiên đây là một loại vắc xin quan trọng và sẽ được Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC sớm đưa về Việt Nam.
Vắc xin có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh sốt xuất huyết trong ít nhất 6 năm. Nguy cơ người đã tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết là rất thấp. Vì thế, tiêm vắc xin là điều rất quan trọng để chủ động bảo vệ cơ thể khỏi dịch bệnh.
Khi một người được tiêm vắc xin, hệ miễn dịch sẽ nhận ra các protein trong virus sốt xuất huyết bị suy yếu là “ngoại lai” và tạo ra kháng thể chống lại chúng. Trong tương lai, khi người này tiếp xúc với virus sốt xuất huyết, các kháng thể này cùng với các thành phần khác của hệ thống miễn dịch sẽ có thể tiêu diệt virus và giúp bảo vệ chống lại căn bệnh này.
Vắc xin sốt xuất huyết được chỉ định dựa trên nhiều yếu tố như độ tuổi, tiền sử nhiễm sốt xuất huyết trước đây, hệ miễn dịch của cơ thể, môi trường sống có dịch hay không,… Vì thế, chúng ta chỉ được tiêm vắc xin sốt xuất huyết khi có chỉ định của bác sĩ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị nên tiêm phòng sốt xuất huyết cho trẻ em từ 9 – 16 tuổi đã bị nhiễm sốt xuất huyết trước đó và sống ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết. Việc nhiễm bệnh trước đó phải được xác nhận thông qua thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Vắc xin này khác với các loại vắc xin khác ở chỗ nó chỉ được khuyến cáo cho những người đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó.
Vì khi tiêm vắc xin cho trẻ chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đây, đến khi trẻ mắc bệnh thật thì trẻ sẽ có triệu chứng nặng hơn và nguy cơ nhập viện cao hơn. Vì thế việc thực hiện xét nghiệm máu để xác định chính xác trẻ đã từng mắc bệnh hay chưa là điều quan trọng trước khi chỉ định tiêm vắc xin.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về ảnh hưởng xấu đến thai kỳ giữa những người được tiêm chủng và không được tiêm chủng. Số lượng người mang thai đăng ký tham gia thử nghiệm còn quá ít để xác định tác dụng của Dengvaxia đối với thai kỳ. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có dữ liệu để đánh giá tác động của vắc xin Dengvaxia đến việc cho con bú bằng sữa mẹ. (3)
Trẻ em dưới 9 tuổi ít có khả năng bị nhiễm sốt xuất huyết trước đó. Vì lý do này, nếu trẻ dưới 9 tuổi thì không đủ điều kiện để tiêm phòng sốt xuất huyết.
Vắc xin sốt xuất huyết chưa được chỉ định cho những người trên 16 tuổi. Vì chưa có đủ dữ liệu chứng minh rằng vắc xin có tác dụng tốt như thế nào đối với những người đã bước qua tuổi 16.
Vắc xin không được tiêm cho trẻ đã thực hiện xét nghiệm và có kết quả chưa từng bị sốt xuất huyết trước đó.
Trẻ em có hệ miễn dịch yếu không được tiêm vắc xin sốt xuất huyết.
Trẻ đã từng có những dị ứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng sau khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết thì cần dừng lại và không được tiêm những liều sau.
Trẻ có những dị ứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.
Khách du lịch và những người không cư trú ở những vùng có dịch cũng không được chỉ định tiêm vắc xin sốt xuất huyết.
Hiện tại Việt Nam vẫn chưa đưa vắc xin sốt xuất huyết vào sử dụng. Tuy nhiên, đây là một trong những loại vắc xin quan trọng nên sẽ được Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC sớm đưa về Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tháng 6/2017, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) được thành lập và trở thành hệ thống trung tâm tiêm chủng cao cấp đầu tiên tại Việt Nam. VNVC góp thêm sức mạnh cùng ngành y tế dự phòng cung cấp đầy đủ vắc xin ngừa bệnh với chất lượng cao cấp và mức giá bình ổn.
VNVC có hệ thống nhiều cơ sở trải dài từ Nam ra Bắc, là đơn vị tiêm chủng đầu tiên tại nước ta sở hữu hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh đạt tiêu chuẩn GSP, hệ thống kho lạnh hiện đại. Kho lạnh đảm bảo nhiệt độ bảo quản vắc xin từ 2 – 8 độ C và được trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động hiện đại, cùng hệ thống cảnh báo hiện đại khi nhiệt độ vượt ra khỏi ngưỡng cho phép, nhiều kênh tiếp nhận thông tin cảnh báo. Tất cả những điều này đảm bảo các loại vắc xin luôn được bảo quản một cách tốt nhất.
VNVC là đơn vị đầu tiên nhập khẩu chính hãng các loại vắc xin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Đơn vị này cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng: tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, mua vắc xin online,… dịch vụ tiêm chủng lưu động đối với các nhóm khách hàng, cơ quan và doanh nghiệp.
Đặc biệt, khách hàng đến với VNVC có thể lựa chọn dịch vụ Gói vắc xin theo độ tuổi (gói vắc xin cho trẻ em, trẻ tiền học đường, tuổi vị thành niên, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người trưởng thành,…). Đặc biệt, VNVC là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chính sách mua gói vắc xin trả góp không lãi suất trong 6 tháng giúp khách hàng giảm bớt áp lực tài chính.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết là đau nhức, ngứa hoặc đau ở chỗ tiêm, nhức đầu, thiếu năng lượng và khó chịu. Những tác dụng phụ này là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng hệ thống bảo vệ và các tác dụng phụ này sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Vì thế bạn không cần quá lo lắng khi cảm thấy những điều này sau khi tiêm vắc xin.
Nếu bạn bị ngất xỉu, chóng mặt, gặp vấn đề thị lực hoặc ù tai, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt. Bác sĩ khuyên người tiêm vắc xin nên ngồi hoặc nằm trong 15 phút sau khi tiêm chủng. Điều này nhằm ngăn ngừa bất kỳ thương tích nào có thể xảy ra do ngã trong trường hợp bị ngất.
Trước khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết bạn nên ăn uống đủ chất, uống nhiều nước lọc, tránh ăn các loại thực phẩm gây dị ứng hoặc kích thích. Bạn cần khai báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của mình.
Sau khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết, bạn cần nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe. Bạn có thể bị sốt nhẹ, đau nhức cơ, đau đầu hoặc phù nề tại vị trí tiêm trong những ngày đầu tiên. Bạn nên ăn các loại thực phẩm mềm và dễ tiêu hóa như cháo hoặc súp. Bạn cũng cần tránh uống rượu bia, các loại thực phẩm cay nóng, đóng hộp và không sử dụng các chất kích thích.
Trước dịch sốt xuất huyết hoành hành hằng năm ở nước ta, nhiều người dân tỏ ra sốt sắng về việc có vắc xin phòng sốt xuất huyết không (có vắc xin ngừa sốt xuất huyết không?). Mặc dù hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có vắc xin ngừa sốt xuất huyết nhưng chúng ta có thể chủ động ngừa bệnh bằng cách diệt lăng quăng và bảo vệ cơ thể không cho muỗi đốt.
(1) Ema. (2023, August 24). Dengvaxia – European Medicines Agency. European Medicines Agency. https://www.ema.europa.eu/en/medicines/human/EPAR/dengvaxia
(2) Torres-Flores, J., Reyes-Sandoval, A., & Salazar, M. I. (2022). Dengue vaccines: an update. BioDrugs, 36(3), 325–336. https://doi.org/10.1007/s40259-022-00531-z
(3) Dengue vaccination: what everyone should know | CDC. (2022, January 19). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/dengue/public/index.html