Sốt xuất huyết, bệnh do virus lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người mỗi năm và gây ra 20.000 – 25.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em ở hơn 100 quốc gia. Vắc xin sốt xuất huyết bảo vệ con người khỏi nguy cơ tử vong và bệnh tật do chủng virus Dengue nguy hiểm từ muỗi. Vắc xin sốt xuất huyết có mấy loại, ai có thể được chủng ngừa? Việt Nam đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa? Cùng ECO Pharma tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Vắc xin sốt xuất huyết là loại vắc xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết ở người. Vắc xin này hoạt động trên cơ chế kích thích cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch chủ động với các chủng virus Dengue do muỗi.
Năm 1929, vacxin phòng sốt xuất huyết được đưa ra đánh giá nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tính an toàn và hiệu quả. Bất chấp những thách thức này, việc phát triển vắc-xin chống lại virus dengue đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây và vắc-xin sốt xuất huyết hiện nay rất tiên tiến, đa dạng và đầy hứa hẹn. (1)
Bệnh sốt xuất huyết gây ra do một trong bốn loại virus Dengue gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Một người có thể bị nhiễm bất kỳ loại virus nào trong số đó nếu bị muỗi đốt. Mỗi năm có tới 400 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết. Gần một nửa dân số thế giới sống ở những khu vực có nguy cơ mắc bệnh này, chủ yếu là các quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Caribe, châu Úc, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương. Tại Mỹ, bệnh sốt xuất huyết phổ biến ở Samoa, quần đảo Virgin và Puerto Rico.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa ở khắp bốn khu vực: miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên. Theo nghiên cứu của Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế Việt Nam, có đến 90% ca tử vong do sốt xuất huyết của nước ta xảy ra ở các tỉnh phía Nam, trong đó có đến 90% ca tử vong ở độ tuổi dưới 15.
Hầu hết những người bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc bị bệnh nhẹ. Một số trường hợp khác bị sốt đột ngột kèm theo buồn nôn, nôn mửa, phát ban và đau nhức mắt, cơ, khớp hoặc xương.
Nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng nặng, cần được cấp cứu y tế. Những trường hợp nhập viện vì sốt xuất huyết thường gặp nhất ở thanh thiếu niên.
Các dấu hiệu cảnh báo về bệnh sốt xuất huyết nặng bắt đầu từ 12 đến 24 giờ sau khi hết sốt và bao gồm đau bụng và căng tức, nôn mửa, chảy máu mũi hoặc nướu, nôn ra máu hoặc có máu trong phân (phân đen, nâu, hoặc đỏ), và cực kỳ mệt mỏi hoặc bồn chồn. Hiếm khi sốt xuất huyết có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, tim, hệ thần kinh trung ương, thận, mắt, cơ hoặc tủy xương nhưng nếu có nó thường gây tử vong nhanh chóng.
Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes – loài muỗi sọc vằn có khả năng sinh sản nhiều và tuổi thọ rất lâu. Một cá thể muỗi Aedes cái trong giai đoạn đẻ trứng có thể đẻ từ 100 đến 200 trứng. Trong điều kiện môi trường thuận lợi, chỉ mất khoảng hai ngày để trứng nở thành ấu trùng và mất khoảng bảy ngày để ấu trùng phát triển thành nhộng và muỗi trưởng thành. Nó có thể lây bệnh cho nhiều người khỏe mạnh trong suốt 40 ngày sống của nó.
Loại muỗi này thường hoạt động mạnh vào ban ngày và chỉ muỗi cái có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Một người bị muỗi đốt và nhiễm virus có thời gian ủ bệnh từ 8 đến 11 ngày. Sau đó những triệu chứng bất thường xuất hiện và bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Như đã biết, sốt xuất huyết là mối đe dọa tính mạng của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm nhưng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, hoạt động tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất để bảo vệ từ sớm.
Khi tiêm một liều vắc xin sốt xuất huyết vào cơ thể người chưa từng bị bệnh này trước đây, có thể xem như một lần bị sốt xuất huyết. Nếu không may lần sau người này bị nhiễm virus Dengue thì sẽ như một lần tái nhiễm. Trong những lần tái nhiễm người bệnh có những triệu chứng nặng hơn và nguy hiểm hơn so với những lần nhiễm trước đó.
Sốt xuất huyết Dengue do bốn chủng huyết thanh của virus Dengue gây ra. Vì thế, người bệnh có thể bị tái nhiễm nhiều lần cho tới khi nào nhiễm hết cả bốn chủng virus Dengue. Tức là mỗi người có khả năng mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời, tương ứng với 4 chủng virus Dengue.
Mặc dù vậy trên thực tế, rất ít trường hợp mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 4. Trong những lần tái nhiễm, bệnh thường diễn tiến nặng hơn lần đầu, cơ thể cũng phản ứng mạnh hơn và thất thoát huyết tương nhiều hơn. Nếu xuất huyết nghiêm trọng, nguy cơ suy các tạng sẽ cao hơn lần đầu nhiễm virus Dengue.
Hiện nay đã có hai loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết được phê duyệt và sử dụng trên thế giới – Dengvaxia và QDENGA. Tuy nhiên, hai loại vắc xin này vẫn chưa được đưa vào sử dụng ở Việt Nam.
Theo thông tin từ Viện Pasteur tại Thành phố Hồ Chí Minh, vắc xin Dengvaxia đã trải qua hai nghiên cứu giai đoạn 3 với 35.000 người từ 2–16 tuổi đã tham gia. Dựa trên kết quả nghiên cứu, trẻ dưới 9 tuổi không được chỉ định sử dụng vắc xin.
Năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu vắc xin này trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Nghiên cứu kết thúc vào tháng 11/2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vắc xin Dengvaxia có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết ở người từ 9 đến 16 tuổi đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết trước đó.
Nhà virus học ở Delhi, Ấn Độ – Sathyamangalam Swaminathan cho biết: “Quá trình tạo ra vắc xin sốt xuất huyết rất khó khăn” vì nhiều lý do như:
Do vậy, việc sản xuất ra một loại vắc xin có hiệu quả cao và đồng đều trên cả bốn chủng huyết thanh của virus là một thách thức lớn của các nhà nghiên cứu hiện nay.
Bất chấp những thách thức, đến nay đã có 2 loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết được phát triển và tiêm chủng.
Dengvaxia là loại vắc xin sống giảm động lực do hãng Sanofi Pasteur của Pháp nghiên cứu và phát triển. Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết được cấp phép đầu tiên trên thế giới vào tháng 12 năm 2015 tại Mexico. Vắc xin này sử dụng cho người trong độ tuổi từ 9 đến 45 đang sinh sống trong vùng có dịch. Hiện nay, Dengvaxia đang được sử chủ yếu ở Mỹ và một số quốc gia thuộc vùng Mỹ Latinh.
Theo thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiệu quả phòng ngừa bệnh của vắc xin này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, số lần tiêm và loại virus Dengue đang xuất hiện tại địa phương.
Kết quả đánh giá ba giai đoạn thử nghiệm vắc xin Dengvaxia:
CYD-TDV đã được đánh giá trong hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (CYD14 ở 5 quốc gia ở Châu Á và CYD15 ở 5 quốc gia ở Châu Mỹ Latinh). Có hơn 35.000 người tham gia thử nghiệm từ 2 đến 16 tuổi. Độ tuổi tiêm chủng lần đầu là từ 2 đến 14 tuổi trong CYD14 và 9 đến 16 tuổi trong CYD15. Trong mỗi thử nghiệm này, những người tham gia được chọn ngẫu nhiên dùng vắc xin và giả dược theo tỷ lệ 2:1.
Hiệu quả của vắc xin CYD-TDV đã được xác nhận trong cả hai thử nghiệm là 59,2% và thay đổi theo loại huyết thanh. Cụ thể, hiệu quả của vắc xin đối với loại huyết thanh 3 và 4 tương ứng là 71,6% và 76,9%, cao hơn so với loại huyết thanh 1 và 2 là 54,7% và 43,0%. Mức độ hiệu quả của CYD-TDV cũng thay đổi theo độ tuổi và tình trạng huyết thanh lúc ban đầu (tức là đã tiếp xúc với bệnh sốt xuất huyết trước khi tiêm chủng).
Trong một nhóm nhỏ ngẫu nhiên những người tham gia được thu thập mẫu máu trước khi tiêm chủng, hiệu quả của vắc xin ở những người có huyết thanh dương tính đã từng phơi nhiễm với virus sốt xuất huyết là 78,2%, trong khi ở những người có huyết thanh âm tính lúc ban đầu là 38,1%.
Đối tượng được chọn triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue, cần có tỷ lệ có huyết thanh dương tính trong nhóm này phải ≥70%. Đây là điều kiện để vắc xin tác động hiệu quả lên sức khỏe cộng đồng và chi phí sẽ đạt tối ưu nhất. Việc tiêm cho nhóm đối tượng có tỷ lệ huyết thanh dương tính chiếm từ 50 – 70% cũng có thể thực hiện được nhưng tác động có thể thấp hơn. Vắc xin không được khuyến cáo khi tỷ lệ có huyết thanh dương tính < 50%.
Vắc xin Dengvaxia được chỉ định tiêm 3 liều vào các thời điểm 0, 6 và 12 tháng. Nếu tiêm thiếu một trong các liều trên, bạn cần bắt đầu lịch tiêm lại từ đầu và duy trì khoảng cách 6 tháng với các liều tiêm sau đó. Vì thế, tuân thủ theo lịch tiêm là một điều rất quan trọng để tiết kiệm thời gian và chi phí tiêm chủng. (3)
QDENGA là vắc xin ngừa sốt xuất huyết được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Dược phẩm Takeda, Nhật Bản. Vắc xin này được sử dụng cho người có độ tuổi từ 4 trở lên, giúp phòng ngừa được toàn bộ bốn chủng virus Dengue đang gây hại trên thế giới. Đây là loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết được phê duyệt thứ hai trên thế giới chỉ sau vắc xin Dengvaxia. Hiện nay, QDENGA được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vắc xin QDENGA được phát triển dựa trên cơ chế gây bệnh của chủng DEN-2, từ đó bổ sung thêm ADN của 3 chủng còn lại (DEN-1, DEN-3 và DEN-4). Những thử nghiệm cho thấy vắc xin có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch ở các mức độ khác nhau đối với cả bốn chủng virus Dengue.
Người chủ trì chương trình sốt xuất huyết của Công ty Takeda – ông Derek Wallace cho biết, qua nhiều thử nghiệm và nghiên cứu cho thấy QDENGA không gây ra bất kỳ lo ngại nào về vấn đề an toàn sức khỏe con người.
Tháng 10 năm 2022, giới chức y tế của EU đã cho biết loại vắc xin này mang lại khả năng bảo vệ rộng hơn so với vắc xin Dengvaxia. QDENGA mang lại khả năng bảo vệ cơ thể khỏi virus Dengue ở trẻ nhỏ và cả những người trên 45 tuổi.
Theo WHO, trẻ em và người lớn trong độ tuổi từ 9 đến 45 nên tiêm ngừa vắc xin sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến nghị tiêm vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 9–16 tuổi đã nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó và đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
Ngoài ra, nhóm đối tượng là phụ nữ có thai và đang cho con bú vẫn chưa có đủ dữ liệu để đưa ra được khuyến cáo có nên tiêm vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết hay không.
Những người không nên tiêm ngừa sốt xuất huyết là:
Cần xét nghiệm máu trước khi tiêm vắc xin ngừa sốt xuất huyết để xác định trẻ đã bị nhiễm bệnh này trước đó chưa. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, trẻ có thể được tiêm phòng. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, trẻ sẽ không thể tiêm chủng. Vì đối với trẻ chưa mắc bệnh sốt xuất huyết, tiêm vắc xin sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện và bệnh nặng nếu sau này trẻ bị nhiễm bệnh thật sự.
Vắc xin Dengvaxia và QDENGA có lịch tiêm và tác dụng khác nhau. Vắc xin sốt xuất huyết có thể được tiêm cùng lúc với các loại vắc xin khác. Cần tiêm đủ liều để đạt được hiệu quả bảo vệ cơ thể cao nhất của vắc xin.
Tại thời điểm hiện tại, Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) dự đoán tiêm vắc xin sốt xuất huyết có thể chống lại bệnh trong ít nhất 6 năm. Nhưng vẫn có nguy cơ thấp là một số người đã được tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn là một dự đoán và chưa được công bố. Hiện các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm về thời gian tác dụng của vắc xin ngừa sốt xuất huyết.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết là ngứa hoặc đau ở chỗ tiêm, nhức đầu, thiếu năng lượng và cảm thấy khó chịu. Những tác dụng phụ này là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng hệ thống bảo vệ và các biểu hiện này sẽ biến mất trong vòng vài ngày.
Bạn có thể ngất xỉu, cảm thấy chóng mặt, thay đổi thị lực hoặc ù tai sau khi tiêm. Nếu bạn có xuất hiện những triệu chứng này cần báo cho bác sĩ sớm. Ngoài ra, khả năng gây ra các dị ứng nghiêm trọng hoặc tử vong sau khi tiêm ngừa sốt xuất huyết là rất thấp. (4)
Một số cách xử lý khi gặp các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin ngừa sốt xuất huyết:
Nếu bạn thấy dấu hiệu nghiêm trọng như nổi mề đay, sưng mặt và cổ họng, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt hoặc suy nhược, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Bạn nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết ở những trung tâm tiêm chủng lớn hoặc các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn. Đồng thời, những nơi tiêm chủng cần có đội ngũ bác sĩ giỏi cùng trang thiết bị hiện đại để có thể xử lý tốt trong trường hợp có những phản ứng phụ sau khi tiêm ngừa.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa đưa vắc xin sốt xuất huyết vào sử dụng. Tuy nhiên, đây là một trong những loại vắc xin quan trọng nên sẽ được Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC sớm đưa về Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Trước khi được vắc xin bảo vệ, bạn nên chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng những biện pháp sau:
Loại bỏ nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi, diệt lăng quăng
Muỗi cái thường đẻ trứng ở những nơi có nước đọng, trong dụng cụ chứa nước của gia đình như chum, thau, vại, bể nước, thậm chí là ở cả lốp xe ô tô, chai lọ,… Sau 2-3 ngày, trứng muỗi nở thành lăng quăng và phát triển thành muỗi vằn. Loại mũi này thường sống trong nhà, bụi rậm, trú ẩn ở những nơi tối tăm, ẩm thấp. Vì thế, bạn cần phá bỏ các vật dụng chứa nước để muỗi không thể đẻ trứng và gây hại cho sức khỏe.
Một số biện pháp bạn có thể thực hiện:
Tránh để muỗi đốt bằng nhiều biện pháp
Đối với trẻ em, cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở và quan sát các bé, không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, cây cối rậm rạp. Ngoài ra, bạn cần chú ý đến việc mắc màn cho bé khi ngủ, mặc quần áo dài tay để ngăn muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với chính quyền trong các chương trình phun hóa chất phòng chống dịch
Chương trình phun hóa chất diệt muỗi thường được diễn ra vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền, thực hiện theo chỉ dẫn để đợt phun hóa chất đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, người dân cần vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bộ gậy để tiêu diệt triệt để ổ muỗi tại khu dân cư.
Việc phun thuốc cần thực hiện ở tất cả các hộ gia đình trong khu dân cư. Vì khi một gia đình không được phun thuốc, muỗi sẽ bay từ nhà này đến nhà khác để truyền bệnh. Việc phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh lúc này sẽ trở nên kém hiệu quả.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng người dân nên đóng kín các cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông gió khi phun thuốc. Bạn cần thu dọn các đồ dùng và thực phẩm trước khi phun để không bị nhiễm hóa chấ; nên ra khỏi ra trong khi phun thuốc và có thể quay trở về nhà khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau khi đã hoàn thành phun thuốc. Những người có cơ địa nhạy cảm, nếu tiếp xúc với thuốc trên người thì cần rửa sạch, nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.
Mặc dù Việt Nam chưa có vắc xin sốt xuất huyết nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này bằng cách tiêu diệt muỗi và ngăn không cho muỗi đốt. Chủ động bảo vệ bản thân trước hoạt động của muỗi vằn là cách tốt nhất để ngăn ngừa sốt xuất huyết khi chưa có vắc xin. Hoạt động diệt trừ muỗi vằn, lăng quăng cần có sự phối hợp tích cực của tất cả những hộ gia đình trong khu dân cư để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng một phần vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc hiểu rõ và biết cách phòng tránh sốt xuất huyết một cách tối ưu nhất như: tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết,… Các phương tiện này góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi căn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm ở nước ta.
(1) Research C. F. B. E. A. (2023, August 8). DENGVAXIA. Retrieved from https://www.fda.gov/vaccines-blood-biologics/dengvaxia
(2) Reasons to get vaccinated | CDC. (2023, April 13). Retrieved from https://www.cdc.gov/dengue/vaccine/parents/reasons-to-vaccinate.html
(3) Vaccines and immunization: Dengue. (n.d.). Retrieved from https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/dengue-vaccines
(4) Dengue vaccine: what you need to know | Kaiser Permanente. (n.d.). Retrieved from https://healthy.kaiserpermanente.org/health-wellness/health-encyclopedia/he.dengue-vaccine-what-you-need-to-know.cdc34