Nếu một người có hệ miễn dịch suy yếu, khi gặp phải một sinh vật gây hại, nó có thể gây ra bệnh tật và tử vong. Vaccine là một thành tựu của y học hiện đại, được phát minh để giúp con người chủ động phòng ngừa các bệnh dễ truyền nhiễm một cách hiệu quả. Vậy vắc xin có cơ chế hoạt động và độ an toàn như thế nào? Cùng ECO Pharma tìm hiểu nhé.
Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật, được bào chế để giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Vaccine khác với các loại thuốc ở hai điểm quan trọng:
Vaccine được thử nghiệm rất nghiêm ngặt trước khi chính thức được đưa vào sử dụng. Các nhà khoa học sẽ tiến hành các nghiên cứu tiền lâm sàng, thử nghiệm vaccine trên động vật để đánh giá tính an toàn và khả năng ngăn ngừa bệnh tật của nó. Nếu vaccine vượt qua thử nghiệm này, nó sẽ được chuyển sang thử nghiệm các giai đoạn tiếp theo như:
Trong các trường hợp khẩn cấp cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như đại dịch COVID-19, các loại vắc xin có thể được cấp phép sử dụng nếu chúng đã hoàn thành hoặc gần kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 và có bằng chứng cho thấy sự an toàn, hiệu quả. Vắc xin sau khi được phê duyệt và triển khai rộng rãi cho công chúng, nó vẫn được theo dõi rất chặt chẽ trong nhiều năm để theo dõi các tác dụng phụ.
Vắc xin bảo vệ con người trong suốt cuộc đời. Một người sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu trì hoãn việc tiêm chủng. Nếu chúng ta đợi đến khi mình mắc một căn bệnh nghiêm trọng mới chích ngừa, có thể sẽ không có đủ thời gian để vắc xin phát huy tác dụng của nó. (1)
Trong nhiều thế kỷ, con người luôn tìm cách bảo vệ bản thân trước nhiều yếu tố gây bệnh. Vắc xin đã được tạo ra và cứu sống nhiều người hơn bất kỳ phát minh y tế nào khác trong lịch sử.
Từ thế kỷ 15, người dân ở nhiều nơi trên thế giới đã cố gắng ngăn ngừa bệnh tật bằng cách cố tình để những người khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh đậu mùa.
Năm 1721, Lady Mary Wortley Montagu đã mang việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đến châu Âu sau khi bà quan sát thấy điều này ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1774, Benjamin Jesty tạo được bước đột phá khi kiểm tra giả thuyết của ông rằng việc nhiễm một loại virus ở bò có thể bảo vệ con người khỏi bệnh đậu mùa.
Tháng 5 năm 1796, bác sĩ người Anh tên Edward Jenner đã kiểm tra giả thuyết này bằng cách tiêm một chất thu được từ vết loét đậu mùa ở bò trên tay của một cô gái cho James Phipps. Mặc dù Phipps có phản ứng cục bộ và cảm thấy không khỏe trong vài ngày nhưng vẫn bình phục hoàn toàn.
Hai tháng sau đó, Jenner tiếp tục tiêm cho Phipps chất từ vết loét đậu mùa ở người để kiểm tra khả năng ngăn ngừa bệnh của Phipps. Kết quả là Phipps vẫn có sức khỏe tốt và trở thành người đầu tiên được tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa. Thuật ngữ ‘vaccine‘ sau này được đặt ra, lấy từ tiếng Latin của từ bò là vacca.
Năm 1806, hoàng đế Pháp – Napoleon Bonaparte và tổng thống Mỹ – Thomas Jefferson công nhận nghiên cứu của tiến sĩ Edward Jenner và tán thành vắc xin đậu mùa.
Năm 1885, Louis Pasteur đã ngăn ngừa thành công bệnh dại bằng cách tiêm phòng sau phơi nhiễm.
Từ năm 1918 đến 1919, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết khoảng 20–50 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có nhiều binh sĩ Hoa Kỳ. Điều này khiến vắc xin cúm trở thành ưu tiên hàng đầu của quân đội nước này. Năm 1918, trường Y Quân đội Hoa Kỳ thử nghiệm 2 triệu liều vắc xin cúm, nhưng kết quả không thuyết phục.
Năm 1967, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chương trình loại trừ bệnh đậu mùa tăng cường, nhằm loại trừ bệnh này ở hơn 30 quốc gia thông qua tiêm chủng.
Năm 1971, tiến sĩ Maurice Hilleman đã kết hợp vắc xin sởi (1963) với vắc xin phòng bệnh quai bị (1967) và rubella (1969) thành một loại vắc xin duy nhất (MMR).
Cuối những năm 1980, bệnh bại liệt đã lan tràn ở 125 quốc gia. Năm 1988, sau khi loại trừ bệnh đậu mùa, WHO đặt mục tiêu vào bệnh bại liệt bằng việc phát động sáng kiến đến năm 2000 bệnh bại liệt sẽ được xoá bỏ trên toàn cầu.
Năm 2016, dự án vắc xin viêm màng não có sự thành công lớn. Trong 5 năm đầu tiên sử dụng, vắc xin này đã gần như loại bỏ được bệnh viêm màng não nhóm A ở các quốc gia thuộc vành đai Châu Phi.
Năm 2019, vắc xin sốt rét (RTS/S) được triển khai thí điểm tại Ghana, Malawi và Kenya. RTS/S là vắc xin đầu tiên có thể làm giảm đáng kể chủng sốt rét nguy hiểm nhất và phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, nhóm có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao nhất.
Tháng 12 năm 2020, những liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được tiêm chỉ sau một năm phát hiện những trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Năm 2021, vắc xin COVID-19 vẫn được tiếp tục triển khai tiêm phòng, tính đến tháng 7 năm 2021 đã có gần 85% vắc xin được tiêm ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao.
Có năm loại vắc xin khác nhau là giải độc tố, bất hoạt, tách chiết, sống giảm độc lực và tái tổ hợp.
Vaccine giải độc tố sử dụng lượng độc tố do vi trùng sản sinh để tạo ra khả năng miễn dịch cho cơ thể. Điều đó có nghĩa là phản ứng miễn dịch nhắm vào chất độc thay vì toàn bộ mầm bệnh. Vaccine uốn ván thuộc loại giải độc tố.
Vắc xin bất hoạt được tạo ra từ vi sinh vật gây bệnh đã chết. Các vi sinh vật dạng này không thể gây hại cho cơ thể, vì thế vacxin bất hoạt có tính an toàn và ổn định hơn vacxin sống.Các kháng nguyên chủ yếu được kích thích để tạo ra miễn dịch cần thiết chống lại bệnh.
Tuy nhiên, vacxin bất hoạt đáp ứng miễn dịch yếu hơn vacxin sống nên được chỉ định tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Điều này có thể gây ra hạn chế cho những người sống ở vùng sâu vùng xa, khó có điều kiện tiêm nhắc lại đúng lịch.
Vắc xin bất hoạt có các loại như vắc xin ho gà, thương hàn, tả, salk (phòng bại liệt), viêm não Nhật Bản, viêm gan A,…
Vắc xin tách chiết là vắc xin công nghệ cao, chỉ tách lấy một phần vỏ chứa thành phần kháng nguyên đặc thù Polysaccharide của vi khuẩn. Vắc xin não mô cầu và phế cầu là các loại vắc xin tách chiết.
Vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật giống với vi sinh vật gây bệnh nhưng đã được làm giảm độc lực và không còn khả năng gây bệnh. Loại vắc xin này giúp cơ thể sinh kháng thể mạnh, thường tạo ra miễn dịch lâu dài chỉ với một hoặc hai liều.
Vắc xin sống giảm độc lực có các loại như vắc xin BCG sống, thương hàn, Sabin (phòng bại liệt), sởi,…
Các virus bám vào tế bào và bơm vật chất di truyền của nó vào trong tế bào. Các nhà khoa học đã lợi dụng quá trình này để tạo ra vắc xin tái tổ hợp. Họ tìm cách lấy đoạn gen của virus hoặc giảm độc lực và chèn thêm đoạn vật chất di truyền của vi sinh vật khác.
Vắc xin tái tổ hợp bắt chước nhiễm trùng tự nhiên và kích thích hệ miễn dịch. Vi khuẩn giảm độc lực cũng có thể được sử dụng làm vector, tuy nhiên không phổ biến bằng cách sử dụng virus. Trong trường hợp này, vật chất di truyền chèn vào làm vi khuẩn biểu lộ kháng nguyên của vi sinh vật khác trên bề mặt của chúng. Nhờ vậy, vi khuẩn vô hại bắt chước vi sinh vật gây hại và kích thích đáp ứng miễn dịch. (2)
Sau khi được tiêm vắc xin, cơ thể sẽ kích thích sản xuất kháng thể là những protein tự thân được tạo ra để chống lại bệnh tật. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ có được khả năng ghi nhớ và chống lại mầm bệnh nếu cơ thể bị nhiễm bệnh. Đây cũng chính là cách thức hoạt động của các loại vắc xin.
Vắc xin bảo vệ chúng ta khỏi những căn bệnh nguy hiểm và ngăn chặn sự lây lan của chúng, cứu sống khoảng 2-3 triệu người mỗi năm. Việc nhiều người trên thế giới được tiêm chủng các loại vắc xin phòng các bệnh lây truyền như sởi, viêm màng não sẽ làm cho dịch bệnh trở nên ít phổ biến hơn, hoặc biến mất hoàn toàn ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngoài ra, hầu hết mầm bệnh có thể tồn tại ở động vật hoặc trong môi trường tự nhiên như đất, nước là mối đe dọa luôn hiện hữu. Đó là lý do tại sao chúng ta nên bao phủ tiêm chủng ở diện rộng.
Ngay cả ở những quốc gia có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm thấp, việc chủng ngừa vẫn cần được chú trọng. Đây là cách tốt để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn nhóm có hệ thống miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư hoặc HIV/AIDS. Ngoài ra, vắc xin không phải lúc nào cũng hiệu quả đối với người cao tuổi. Vì vậy việc tiêm chủng rộng rãi, ngừa lây nhiễm trong cộng đồng là điều quan trọng để bảo vệ họ. (3)
Vaccine có hai đặc tính cơ bản là tính kháng nguyên và tính sinh miễn dịch.
Tính kháng nguyên là khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Kháng nguyên mạnh khi đưa vào cơ thể sẽ sinh ra nhiều kháng thể. Kháng nguyên yếu cần phải tiêm nhiều hoặc phải kèm theo một tá dược mới tạo được một ít kháng thể.
Vắc xin có thể chứa các loại kháng nguyên khác nhau. Mỗi loại kháng nguyên có những ưu và nhược điểm riêng trong việc tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể.
Vắc xin tạo ra miễn dịch bằng một vi khuẩn hoặc virus giảm độc lực, bất hoạt hoặc với một loại protein đặc hiệu có tính kháng nguyên để tạo ra hiệu quả đề kháng cho cơ thể.
Vắc xin giúp cơ thể phòng ngừa nhiều bệnh khác nhau như:
Một số loại vắc xin khác hiện đang được phát triển hoặc thử nghiệm, bao gồm cả những loại vắc xin bảo vệ chống lại virus zika hoặc sốt rét, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Một số người cần được tiêm vắc xin trước khi đi du lịch, đi nước ngoài hoặc đến những khu vực có lưu hành dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Vắc xin sốt xuất huyết
Vắc xin là một chế phẩm sinh học an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, do chưa có nhận thức đầy đủ về vắc xin cũng như việc chủng nên nhiều người không khỏi có những hoài nghi về nó. Sau đây là những lầm tưởng phổ biến về sự an toàn của vắc xin:
Các phản ứng sau khi tiêm ngừa thường là nhẹ và tạm thời, chẳng hạn như sốt hoặc đau cánh tay. Những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau khi tiêm phòng là rất hiếm và đều được theo dõi, điều tra cẩn thận.
Bạn có nhiều khả năng bị tổn thương nặng do một căn bệnh hơn là tổn thương do vắc xin phòng bệnh đó gây ra. Ví dụ, bệnh bại liệt có thể gây tê liệt, bệnh sởi có thể gây viêm não và mù lòa. Lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nhiều so với rủi ro mà tiêm chủng gây ra. Nếu không có vắc xin thì sẽ có thêm nhiều ca tử vong xảy ra. (4)
Vắc xin gây bệnh là điều rất khó xảy ra. Vi sinh vật trong vắc xin đều đã bị bất hoạt hoặc giảm độc lực và không có khả năng gây bệnh. Một số loại vắc xin có chứa sinh vật sống và khi tiêm vào có thể dẫn đến mắc bệnh nhẹ. Ví dụ, vắc xin thủy đậu có thể khiến trẻ bị phát ban nhẹ. Điều này không có hại và thực sự có thể cho thấy rằng vắc xin đang hoạt động.
Kiểm tra độ an toàn của vắc xin là một quá trình phức tạp và được theo dõi nghiêm ngặt. Đầu tiên vắc xin được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đối với động vật. Sau khi vắc xin đã được chứng minh là an toàn ở động vật, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu tiêm vắc xin cho người.
Quá trình thử nghiệm vắc xin ở người được thực hiện qua ba giai đoạn với hàng nghìn tình nguyện viên được theo dõi chặt chẽ để phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào. Sau khi vắc xin được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh và không gây ra hoặc chỉ gây ra một số tác dụng phụ nhỏ, nó sẽ được chấp thuận để tiêm chủng cho nhiều nhóm người hơn.
Các loại vắc xin mRNA như Moderna và Pfizer không có khả năng thay đổi DNA của cơ thể. mRNA được sử dụng trong các loại vắc xin này là khuôn mẫu để tạo ra các protein của virus, sau đó kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại virus. mRNA bị phân hủy nhanh chóng và không được tích hợp vào DNA của cơ thể nên sẽ không làm thay đổi mã di truyền.
Không có vắc xin được lưu hành hoặc đang được nghiên cứu nào có chứa vi mạch. Vắc xin không theo dõi hoặc thu thập thông tin của con người dưới bất kỳ hình thức nào.
Không có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa vắc xin và bệnh tự kỷ hoặc rối loạn phổ tự kỷ. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu, thực hiện trên các quần thể người rất lớn.
Các nghiên cứu được thực hiện ở Úc, Bỉ, Đức, New Zealand, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cho thấy sau khi được tiêm chủng, tỷ lệ nhiễm HPV ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ đã giảm đến 90%. Vắc xin ngừa HPV đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. WHO khuyến cáo tất cả các bé gái từ 9–14 tuổi nên tiêm hai liều vắc xin HPV, cùng với việc sàng lọc ung thư cổ tử cung ở tuổi trưởng thành.
Hiện nay, có hai loại vắc xin HPV được sử dụng tại nước ta là Cervarix (Bỉ) và Gardasil (Mỹ). Cả hai loại đều có tác dụng chống lại HPV type 16 và 18, gây ung thư cổ tử cung.
Vắc xin có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như sốt nhẹ, đau hoặc đỏ ở vị trí tiêm. Những phản ứng nhẹ sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày; những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài là cực kỳ hiếm. Vắc xin được theo dõi liên tục về độ an toàn, nhằm phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp. Chẳng hạn như ở vắc xin COVID-19 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn sau khi tiêm, với mức độ khác nhau ở một số người.
Sốc phản vệ, nổi mề đay, khó thở, tức ngực, đau bụng, buồn nôn; rối loạn đông máu là các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
Nhiều người cho rằng việc tiêm cùng lúc nhiều loại vắc xin có thể làm tăng khả năng xuất hiện các tác dụng phụ. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm nhiều loại vắc xin cùng lúc không gây ra tác dụng nguy hiểm.
Các thành phần có trong vắc xin đã được kiểm tra và thử nghiệm để chứng minh độ an toàn cho sức khỏe con người. Bất kỳ thành phần nào cũng có thể gây hại cho cơ thể nếu tiêm ở liều lượng cao, kể cả nước. Vắc xin chứa các thành phần với liều lượng thậm chí còn thấp hơn liều lượng mà chúng ta tiếp xúc tự nhiên trong môi trường, cụ thể:
Tất cả các loại vắc xin đều chứa kháng nguyên, giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác. Một số thành phần giúp vắc xin hoạt động được an toàn và hiệu quả hơn là nước, chất nhũ hóa và chất ổn định. Hai chất này bảo vệ kháng nguyên khỏi tác động của nhiệt độ trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản.
Một số vắc xin có thể chứa chất bổ trợ, có tác dụng tăng cường đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên. Đối với những loại vắc xin tiêm nhiều hơn một liều, việc bổ sung chất bảo quản sẽ ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hoặc nấm có hại. (5)
Vaccine được đưa vào cơ thể theo nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là qua đường tiêm, uống hoặc qua đường hô hấp.
Hầu hết các loại vaccine được đưa vào cơ thể theo đường tiêm với ba kỹ thuật chính là tiêm bắp, tiêm dưới da và tiêm trong da.
Vaccine đường uống được đưa vào cơ thể qua đường miệng (đường tiêu hóa). Nó có ưu điểm dễ sử dụng hơn so với vaccine đường tiêm và có khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch trên niêm mạc đường tiêu hóa. Những loại virus, vi khuẩn gây bệnh bại liệt, tiêu chảy thường xâm nhập đầu tiên vào lớp niêm mạc đường tiêu hóa, vì thế việc tăng cường khả năng “phòng thủ” tại đây giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả hơn.
Vaccine được đưa vào cơ thể qua mũi và họng để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong niêm mạc tại đây. Cơ thể sẽ được bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường hô hấp trước khi chúng lây nhiễm sang các bộ phận khác.
Nếu bạn cảm thấy đau và khó chịu ở vị trí tiêm, có thể dùng khăn sạch, mát và ẩm để đắp lên chỗ chỗ tiêm bị sưng đau; đồng thời, nên vận động hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Trong trường hợp bị đau nhiều, bạn có thể dùng một số loại thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen, acetaminophen, aspirin (nếu trên 18 tuổi), nhưng tốt nhất hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng.
Nếu bạn bị sốt sau khi tiêm vắc xin thì cần uống nhiều nước lọc, mặc trang phục nhẹ nhàng; nên thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ khác khiến bạn cảm thấy lo lắng.
Tiêm vaccine là một cách chủ động và hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa nhiều loại bệnh lây truyền nguy hiểm. Vì thế, ai trong số chúng ta cũng nên tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của Bộ y Tế, các trung tâm y tế nơi bạn sinh sống. Đặc biệt, phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người mắc các bệnh lý nền có hệ miễn dịch kém là các đối tượng cần được vaccine bảo vệ.
(1) Department of Health & Human Services. (n.d.). Vaccines. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vaccines
(2) National Library of Medicine. (n.d.). Vaccines. Immunization | Inoculation | MedlinePlus. https://medlineplus.gov/vaccines.html
(3) Vaccines and immunization: What is vaccination? (n.d.). https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/vaccines-and-immunization-what-is-vaccination
(4) What are vaccines? (n.d.). https://www.unicef.org/armenia/en/stories/what-are-vaccines
(5) Office of Infectious Disease and HIV/AIDS Policy (OIDP). (2022, January 8). Vaccine ingredients. HHS.gov. https://www.hhs.gov/immunization/basics/vaccine-ingredients/index.html