Ngày càng có nhiều trẻ mắc tật khúc xạ bẩm sinh, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và sức khỏe của trẻ. Tình trạng này cần được khắc phục sớm để giảm thiểu những tác động xấu đến cuộc sống và tránh biến chứng có thể xảy ra cho trẻ. Vậy đâu là nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này như thế nào? Cùng Eco Pharma tìm hiểu chủ đề này nhé!
Tật khúc xạ bẩm sinh là bệnh lý về mắt phổ biến ở trẻ nhỏ, mắc phải ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nếu không kịp thời phát hiện sớm, bệnh sẽ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt khi bé đến độ tuổi đến trường. (1)
Hệ thống quang học đầy đủ của mắt gồm các bộ phận là giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính. Các tia sáng phản ánh hình ảnh của sự vật bên ngoài được hội tụ trên võng mạc giúp trẻ nhìn thấy rõ nét những sự vật xung quanh.
Tuy nhiên, khi mắc tật khúc xạ bẩm sinh, đồng nghĩa với mắt bị khúc xạ sai lệch. Điều này dẫn đến các tia sáng phản ánh hình ảnh của sự vật hội tụ trước hoặc sau võng mạc, khiến cho hình ảnh mà trẻ nhìn thấy bị mờ và nhòe đi.
Theo một thống kê của bệnh viện Mắt Trung Ương, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở nước ta có xu hướng gia tăng; khoảng 3 triệu trẻ nhỏ mắc tật khúc xạ và cần phải đeo kính để có thể sinh hoạt bình thường. Đặc biệt, có tới 40% – 50% trẻ ở thành thị gặp phải tình trạng này, trong khi đó tỷ lệ trẻ ở nông thôn thấp hơn chỉ chiếm khoảng 15%.
Có 4 dạng tật khúc xạ bẩm sinh mà trẻ thường mắc phải đó là loạn thị, cận thị, viễn thị và lệch khúc xạ.
Loạn thị bẩm sinh là tình trạng trẻ được sinh ra đã mắc phải tổn thương về hình dạng và cấu trúc của nhãn cầu, dẫn đến giác mạc hoặc thủy tinh thể không giữ được độ cong như bình thường. Điều này khiến cho các tia sáng phản ánh vật thể bên ngoài đi vào mắt và hội tụ ở nhiều điểm khác nhau dẫn đến loạn thị. Loạn thị bẩm sinh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Ở mỗi trẻ, mức độ loạn thị sẽ khác nhau, nếu được phát hiện sớm trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu điều trị sau 7 tuổi, hiệu quả thường không cao và dễ dẫn đến nhược thị, lác mắt hoặc thậm chí có thể mất thị lực vĩnh viễn.
Cận thị bẩm sinh là tình trạng trẻ được sinh ra cùng với tật khúc xạ này. Cận thị khiến trẻ chỉ có thể nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần mà không thể nhìn rõ các hình ảnh ở xa. Nguyên nhân là vì trục nhãn cầu mắt dài hơn bình thường, các tia sáng phản chiếu hình ảnh của sự vật hội tụ trước võng mạc, gây ra sự khó khăn khi trẻ nhìn các vật ở xa.
Khi trẻ bị cận thị, dấu hiệu thường thấy nhất là thói quen chớp mắt, nheo mắt và hay dụi mắt. Trường hợp độ cận cao, trẻ còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng đau đầu và lác mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, độ cận bẩm sinh của bé sẽ càng ngày càng tăng lên. (2)
Không giống như cận thị, viễn thị bẩm sinh là trẻ được sinh ra với mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường, hình ảnh phản chiếu sự vật xuất hiện ở phía sau của võng mạc. Điều này làm cho trẻ chỉ có thể nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn ở cự ly gần.
Một số trường hợp, trục nhãn cầu sẽ dài ra theo sự phát triển của cơ thể khi trẻ lớn lên và tình trạng viễn thị sẽ được cải thiện. Một số trường hợp khác không được may mắn như vậy.
Lệch khúc xạ bẩm sinh là tình trạng trẻ được sinh ra cùng với sự mất cân bằng về khả năng nhìn ở cả hai mắt. Lệch khúc xạ có thể là một bên mắt bị cận thị, bên mắt còn lại bị viễn thị; Hoặc cả hai mắt đều bị cận thị nhưng có độ cận khác nhau. Tình trạng này có thể dẫn đến nhược thị, làm tăng nguy cơ mù loà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm chủ đề: Tật khúc xạ ở trẻ em nguy hiểm không? Chữa trị thế nào?
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tật khúc xạ bẩm sinh đó là di truyền và môi trường.
Cha mẹ đều mắc phải tật khúc xạ mắt có khả năng con cái cũng sẽ gặp các vấn đề tương tự. Nhưng so với nguyên nhân do môi trường thì di truyền chiếm tỉ lệ thấp hơn.
Đa số các trường hợp mắc các bệnh về mắt hiện nay là do sinh hoạt không đúng cách và bị ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường bên ngoài như:
Ngoài ra, những yếu tố, nguy cơ sau cũng có thể gây ra tật khúc xạ mắt:
Cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng là sự cản trở lớn cho công việc, học tập và sinh hoạt thường ngày. Quan trọng hơn, nếu không được phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, các tình trạng này có thể dẫn đến lác mắt, nhược thị, thậm chí nguy cơ mù lòa.
Chưa kể đến, việc không nhìn thấy rõ mọi thứ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về tư duy, trí tuệ, khả năng vận động của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ (dưới một tuổi), phụ huynh cần chú ý quan sát để sớm phát hiện những bất thường. Bởi vì trẻ chưa biết nói nên không thể diễn đạt vấn đề bé đang mắc phải.
Dấu hiệu tật khúc xạ bẩm sinh rất khó phát hiện ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Do giai đoạn sơ sinh, dù hoàn toàn khỏe mạnh nhưng thị lực của trẻ chưa hoàn thiện nên khả năng nhìn rất hạn chế. Ở giai đoạn lớn hơn, 3-12 tháng tuổi, trẻ chưa biết nói nên rất khó để diễn đạt những gì chúng gặp phải.
Riêng ở trẻ lớn và những người trưởng thành, tật khúc xạ mắt có thể biểu hiện bằng những dấu hiệu sau đây:
Mắt nhạy cảm với ánh sáng hay còn được biết đến là chứng sợ ánh sáng. Điều này khiến trẻ phải nheo mắt khi nhìn thấy ánh sáng rực rỡ hoặc khi ở ngoài trời nắng. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, mắt nhạy cảm với ánh sáng có thể gây ra đau đớn nhiều khi tiếp xúc với hầu hết mọi loại ánh sáng.
Các tật khúc xạ bẩm sinh không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho mắt sợ ánh sáng. Một số bệnh lý như viêm kết mạc, viêm não, viêm màng não, tình trạng khô mắt,… cũng khiến trẻ chỉ muốn nhắm hoặc nheo mắt lại khi có ánh sáng chiếu vào.
Do không nhìn thấy rõ các sự vật bên ngoài dẫn đến việc nhàm chán, khiến trẻ không thể tập trung khi đọc sách hoặc nhìn vào màn hình máy tính. Điều này dẫn đến bé học tập thiếu tập trung, khó đạt kết quả tốt.
Tật khúc xạ của mắt có thể gây đau đầu vì mắt phải rất cố gắng để tập trung nhìn cho rõ vật thể. Khi nhìn quá tập trung, các cơ mắt và dây thần kinh thị giác liên kết với não bộ bị căng thẳng, dẫn tới mỏi mắt và đau đầu.
Tình trạng đau đầu, nhức mỏi mắt cũng có thể xảy ra nếu trẻ dùng kính sai độ, gọng kính không phù hợp hoặc tròng kính bị bẩn và trầy xước.
Nheo mắt là biểu hiện thường thấy ở trẻ mắc các tật khúc xạ. Khi nheo mắt, các hình ảnh về không gian và ánh sáng đi qua sẽ tạo ra độ sắc nét trên võng mạc. Lý do là một phần nhỏ võng mạc – fovea có chứa các tế bào hình nón. Hình dạng mắt hẹp lại, ánh sáng sẽ được tập trung vào các fovea nhiều hơn, giúp trẻ nhìn rõ hơn.
Nếu quan sát thấy con hay nheo mắt, cha mẹ nên chú ý hỏi han và đưa bé đi khám mắt sớm. Việc phát hiện bệnh từ sớm và điều trị kịp thời sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn và ngược lại.
Mặc dù các biểu hiện ở mỗi loại tật khúc xạ mắt có thể khác nhau nhưng triệu chứng chung nhất là nhìn các hình ảnh bị mờ và nhoè.
Mắt phải tập trung thị lực quá mức thường dẫn đến tình trạng chảy nước mắt. Chảy nước mắt là một phản ứng bảo vệ mắt của cơ thể khi mắt gặp phải các căng thẳng quá mức.
Tật khúc xạ bẩm sinh không thể điều trị bằng thuốc mà thường được bác sĩ chỉ định điều trị theo 2 cách: đeo kính hoặc phẫu thuật.
Đeo kính là một cách phổ biến để khắc phục các tật khúc xạ của mắt. Trẻ nên được đo thị lực và cắt kính ở các chuyên khoa mắt tại các bệnh viện, hoặc các hiệu kính thuốc để đảm bảo đúng độ và chất lượng của kính.
Phụ huynh nên hướng dẫn con vệ sinh kính hàng ngày, tránh làm trầy xước mắt kính gây ảnh hưởng đến thị lực; nên cho trẻ thăm khám và đo lại thị lực định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần.
Phẫu thuật mắt bằng Lasik là việc dùng tia laser để định hình lại giác mạc, lấy lại thị lực cho trẻ bị cận thị, viễn thị và loạn thị.
Thông thường một ca phẫu thuật mắt Lasik sẽ kéo dài không đến 30 phút. Bác sĩ cần thực hiện một số kiểm tra và đánh giá để quyết định về việc thực hiện ca phẫu thuật như:
Để chăm sóc mắt giúp cải thiện các tật khúc xạ bẩm sinh cho trẻ, phụ huynh có thể chú ý tới những điều sau đây.
Thăm khám mắt định kỳ rất cần thiết để quản lý các tật khúc xạ mắt cũng như phát hiện các bệnh lý khác về mắt hoặc các bệnh lý tiềm ẩn có triệu chứng bộc lộ ở mắt. Ví dụ như các tình trạng sau:
Bài kiểm tra mắt thường được áp dụng khi khám sức khỏe cho mắt:
Tập thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, trong đó có sức khỏe của đôi mắt. Khi tập thể dục mắt sẽ nhận được những lợi ích như:
Những thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, mức năng lượng cao, khi ánh sáng này đi qua giác mạc sẽ gây tổn hại đến tế bào võng mạc. Nếu mắt liên tục tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể làm chết các tế bào thị giác và gây rối loạn điều tiết mắt, dẫn đến nhức, mỏi mắt và suy giảm thị lực
Nếu trẻ ngủ không đủ giấc có thể dẫn tới hội chứng tầm nhìn hình ống, song thị, nhìn mờ và nhức mỏi mắt. Thiếu ngủ càng nhiều thì các tật khúc xạ càng trở nên trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến ảo giác.
Ngoài ra, không nên cho trẻ sử dụng điện thoại trước khi ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại có bước sóng ngắn gây ức chế não bộ, cản trở việc sản xuất hormone melatonin gây buồn ngủ, dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Trình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn đồng hồ sinh học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung và mắt nói riêng của bé.
Ngoài việc ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, dinh dưỡng là một phần quan trọng mang tới sức khỏe cho mắt. Các thực phẩm tốt cho mắt phụ huynh nên bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày cho con như:
Massage nhẹ nhàng sẽ giúp mắt thư giãn và tăng cường lưu thông máu. Đồng thời, mắt nghỉ ngơi hợp lý sẽ có thời gian phục hồi và điều tiết tốt hơn. Vì vậy, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ những điều này để bảo vệ mắt.
Mắc các tật khúc xạ bẩm sinh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập, cũng như chất lượng sống ở trẻ lớn. Chăm sóc và bảo vệ mắt, thăm khám sức khỏe định kỳ là những việc phụ huynh nên nên làm để giúp phòng ngừa các bệnh về mắt nói chung và các tật khúc xạ nói riêng cho trẻ. Ngoài ra, ngay cả khi đôi mắt khỏe vẫn nên khám mắt định kỳ để đảm bảo mắt được chăm sóc tốt nhất.