Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Nhưng rủi ro có thể quản lý được nếu nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn đột quỵ và cấp cứu kịp giờ vàng. Vậy nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là gì? Bệnh này có thể dẫn đến biến chứng nào? Cách sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim như thế nào mới đúng? Hãy cùng Eco Pharma tìm hiểu ngay sau đây.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Bệnh nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu và hoại tử do tắc nghẽn động mạch vành bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng như suy tim, sốc tim, loạn nhịp tim và nguy cơ tử vong. Thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh, vì vậy nếu có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Sau khi cơ tim bắt đầu thiếu máu cục bộ, tế bào không chết ngay lập tức mà cần ít nhất là 20 phút. Sự hoại tử hoàn toàn của tất cả các tế bào cơ tim cần ít nhất 2 – 4 giờ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tắc nghẽn động mạch vành liên tục hoặc ngắt quãng, độ nhạy cảm của tế bào với sự thiếu máu cục bộ, nhu cầu oxy và chất dinh dưỡng của cơ tim.
Mỗi động mạch vành cung cấp máu cho một phần cụ thể của cơ tim. Vì thế, động mạch bị tắc sẽ gây ảnh hưởng đến khu vực mà nó cung cấp máu. Tùy thuộc vào vị trí và số lượng cơ tim liên quan, tắc nghẽn động mạch vành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bơm máu của tim.
Nguyên nhân nhồi máu cơ tim cấp
Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim cấp là do động mạch vành bị tắc nghẽn, khiến một phần của cơ tim bị thiếu máu và dẫn đến hoại tử. Sự tắc nghẽn này do huyết khối hình thành trong động mạch vành, ngăn cản dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Huyết khối có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến sự nứt vỡ, loét hoặc tách của mảng xơ vữa trong lòng mạch. Mảng xơ vữa là sự tích tụ của cholesterol, canxi và các chất khác, gây hẹp lòng mạch và làm giảm dòng máu.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bị nhồi máu cơ tim cấp là:
Độ tuổi cao.
Sử dụng chất kích thích.
Mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu.
Không tập thể dục.
Thường xuyên tiêu thụ thức ăn có nhiều chất béo, đường, muối hoặc rượu bia.
Nam giới ở độ tuổi trung niên.
Nữ giới ở độ tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen suy giảm. Đây là hormone sinh dục nữ có tác dụng bảo vệ chống lại chứng xơ vữa động mạch.
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.
Mắc bệnh thận mãn tính.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim
Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp tính
Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp tính người bệnh có thể gặp như [1]:
Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực, thường kéo dài hơn 20 phút và không giảm khi nghỉ ngơi, cơn đau này có thể lan ra vai, cổ, tay trái hoặc lưng.
Khó thở hoặc thở gấp.
Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu hoặc khó chịu vùng thượng vị.
Các biến chứng có thể xảy ra khi bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể gây ra những biến chứng như:
Rối loạn chức năng điện học của tim, bao gồm rối loạn dẫn truyền, loạn nhịp tim, đánh trống ngực. Các rối loạn này có thể gây nguy cơ đột tử hoặc suy tim.
Rối loạn chức năng cơ học của tim, bao gồm suy tim, vỡ cơ tim hoặc phình thành tim. Các rối loạn này có thể gây ra khó thở, phù nề, đau ngực hoặc sốc tim.
Các biến chứng huyết khối, bao gồm thiếu máu động mạch vành tái diễn, hình thành cục máu đông trong tim hoặc động mạch vành. Các biến chứng này có thể gây ra nhồi máu cơ tim tái phát, tắc mạch máu não hoặc tắc mạch máu phổi.
Các phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Bác sĩ thường dựa vào các yếu tố sau để chẩn đoán nhồi máu cơ tim:
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bao gồm đau ngực, khó thở, buồn nôn, toát mồ hôi, chóng mặt, lo lắng, đánh trống ngực hoặc loạn nhịp tim.
Điện tâm đồ (ECG) là một phương pháp ghi lại các tín hiệu điện trong tim, có thể phát hiện sự biến đổi của đoạn ST, sóng T hoặc sóng Q trên hình ảnh điện tim. Tuy nhiên, điện tâm đồ không phải lúc nào cũng hiệu quả và rõ ràng, do đó cần thực hiện nhiều lần trong quá trình theo dõi bệnh nhân.
Xét nghiệm các chất được giải phóng từ cơ tim khi bị hoại tử do thiếu máu, bao gồm troponin T hoặc I, creatine kinase-MB (CK-MB), myoglobin và lactate dehydrogenase (LDH). Các chất này có thể được xác định bằng các xét nghiệm máu và có ý nghĩa trong việc xác định và đánh giá mức độ tổn thương cơ tim.
Siêu âm tim là một phương pháp hỗ trợ trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, có thể giúp bác sĩ nhìn thấy những hình ảnh rối loạn vận động vùng liên quan đến vị trí nhồi máu, dịch màng tim hoặc các biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim. Siêu âm tim cũng giúp đánh giá chức năng của tâm thất trái và các van tim.
Bạn có thể thực hiện những điều sau để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn:
Bạn nên đi khám bệnh cùng một thành viên trong gia đình. Người thân có thể giúp bạn cung cấp cho bác sĩ những thông tin có giá trị về các triệu chứng và tiền sử bệnh một cách rành mạch và rõ ràng nếu bạn khó thực hiện được điều này.
Bạn hãy cung cấp cho bác sĩ danh sách tên và liều lượng của các loại thuốc đang dùng. Nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn danh sách, hãy lấy một vài viên thuốc hoặc hộp thuốc để mang theo đến bệnh viện.
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Hướng dẫn sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim đúng cách
Nhồi máu cơ tim xảy ra bất ngờ và diễn tiến nhanh chóng, xử trí kịp thời và đúng cách có thể giúp người bệnh thoát khỏi nguy kịch.
Nếu bạn là người bị bệnh:
Bạn cần dừng ngay mọi công việc đang thực hiện, ngồi nghỉ ngơi. Bạn cởi bớt áo khoác ngoài, nới rộng khăn quàng cổ, cà vạt (nếu có), hít sâu, thở ra từ từ để giúp nhịp tim ổn định.
Bạn có thể uống một viên aspirin (325 mg) để giảm nguy cơ huyết khối trong động mạch vành nếu đã có chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng loại thuốc này trước đó.
Trong trường hợp bạn có thuốc nitroglycerin theo toa của bác sĩ, hãy dùng theo chỉ dẫn. Thuốc này có thể giúp giãn động mạch vành và giảm đau ngực. Tuy nhiên, bạn không nên dùng thuốc nitroglycerin của người khác hoặc dùng quá liều.
Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc nhờ ai đó gọi cho bạn, đừng tự lái xe hay di chuyển một mình. Bạn cần được đưa tới bệnh viện để được điều trị khẩn cấp.
Nếu bạn là người có mặt:
Bạn hãy giúp người bệnh gọi cấp cứu ngay lập tức, cung cấp thông tin cho bác sĩ về tình trạng của họ.
Bạn đặt người bệnh ở tư thế ngồi, đầu gối nâng cao và dựa lưng vào tường hoặc gốc cây nếu đang ở bên ngoài; giúp người bệnh nới lỏng quần áo nếu quá chật (cà vạt, khăn quàng cổ, nút trên áo sơ mi,…). Bạn hãy giữ ấm cho người bệnh bằng khăn choàng hoặc một chiếc chăn mỏng nếu ở ngoài trời lạnh.
Nếu người bệnh có mang theo aspirin hoặc nitroglycerin, hãy giúp họ uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu người bệnh ngừng thở hoặc mất nhịp tim, hãy thực hiện các biện pháp hồi sinh tim phổi (CPR) cho đến khi xe cấp cứu đến. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng máy khử rung tim tự động (AED) để kích thích tim hoạt động trở lại.
Cách điều trị nhồi máu cơ tim cấp
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp là quá trình cứu sống và phục hồi chức năng của cơ tim khi bị thiếu máu do sự tắc nghẽn của động mạch vành. Mục tiêu của quá trình này là:
Cấp cứu khẩn trương nhằm tăng cơ hội sống sót cho người bệnh và ngăn cơ tim hoại tử lan rộng.
Cải thiện lưu lượng máu mạch vành để tăng cường cung cấp máu cho cơ tim.
Điều trị biến chứng và dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim.
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp bao gồm các biện pháp sau:
Sử dụng các thuốc để giảm nguy cơ huyết khối trong động mạch vành, giảm đau ngực, giảm áp lực và tần số tim, giảm cholesterol và bảo vệ cơ tim.
Theo dõi và điều trị các biến chứng của nhồi máu cơ tim, bao gồm rối loạn điện học, rối loạn cơ học, huyết khối, suy tim, viêm màng ngoài tim…
Thực hiện các phương pháp tái tưới máu mạch vành, bao gồm can thiệp qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
1. Điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp tính bằng cách tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong và di chứng bệnh tật cho người bệnh. Phương pháp này nhằm mục đích mở rộng động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc hẹp bằng cách sử dụng các dụng cụ như ống nong hoặc ghép mạch. Các phương pháp này có thể được thực hiện qua da hoặc qua phẫu thuật.
Can thiệp qua da: Đây là phương pháp thực hiện thông qua một lỗ chọc nhỏ ở đùi hoặc cánh tay, đưa một ống thông vào động mạch vành bị tắc nghẽn, sau đó bơm một bóng nong để làm giãn rộng vị trí hẹp trong lòng động mạch vành và đặt một stent để giữ cho động mạch không bị hẹp lại. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn, ít gây biến chứng và có thể thực hiện nhanh chóng.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Đây là phương pháp thực hiện thông qua một vết mổ ở ngực, dùng một đoạn mạch khác (thường là từ chân hoặc tay) để ghép vào động mạch vành bị tắc nghẽn, tạo ra một con đường mới cho máu lưu thông. Phương pháp này có thể được kết hợp với việc dừng tim và sử dụng máy trợ tim phổi. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có ưu điểm là có thể xử lý được nhiều vị trí tắc nghẽn cùng lúc và có hiệu quả lâu dài.
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp tính bằng cách tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn rất quan trọng trong việc cứu lấy mạng sống của người bệnh. Tuy nhiên, việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc nhiều yếu tố, như vị trí và số lượng của các vùng tắc nghẽn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, khả năng tiếp cận của các trung tâm y tế… Vì thế, người nhà bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được sự lựa chọn phù hợp nhất bệnh nhân.
2. Điều trị lâu dài sau nhồi máu cơ tim cấp
Sau khi bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân cần được điều trị lâu dài để phục hồi chức năng của cơ tim, ngăn ngừa biến chứng và tái phát. Việc điều trị nhồi máu cơ tim lâu dài bao gồm các biện pháp sau:
Sử dụng những loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như:
Các thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, ticagrelor để giảm nguy cơ huyết khối trong động mạch vành.
Các thuốc chẹn beta như metoprolol, bisoprolol, carvedilol để giảm áp lực và tần số tim, bảo vệ cơ tim khỏi tác động của norepinephrine.
Các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) như enalapril, lisinopril, ramipril để giảm áp lực máu và tải lượng cho tim.
Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II như losartan, valsartan, telmisartan để giảm áp lực máu và tải lượng cho tim khi không dung nạp được ACE.
Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin như sacubitril/valsartan để tăng cường giảm áp lực máu và tải lượng cho tim.
Các thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine, diltiazem, verapamil để giãn mạch và giảm áp lực máu.
Các thuốc statin và một số loại tương tự có khả năng giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể như atorvastatin, rosuvastatin, ezetimibe để giảm cholesterol máu và ngăn ngừa sự hình thành mảng xơ vữa trong động mạch vành.
Tuân thủ thuốc điều trị là một cách góp phần giúp người bệnh phục hồi chức năng cơ tim
Thay đổi lối sống lành mạnh để hỗ trợ điều trị sau nhồi máu cơ tim cấp, bao gồm:
Bỏ hút thuốc lá.
Hạn chế uống rượu bia.
Giảm cân nếu béo phì.
Ăn uống lành mạnh, nhiều rau quả tươi, hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, trans fat, cholesterol và muối.
Tập thể dục thường xuyên theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên chuyên môn.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, để làm một số xét nghiệm hoặc kiểm tra để đánh giá tình trạng của cơ tim, động mạch vành, huyết áp, cholesterol và đường huyết.
Bạn cũng có thể đăng ký tham gia các chương trình về phục hồi tim mạch, nơi bạn sẽ được hỗ trợ bởi một đội ngũ các chuyên gia về tâm lý, dinh dưỡng, vận động. Các chương trình này sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim.
Điều trị nhồi máu cơ tim là quá trình kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ của bệnh nhân. Bạn nên thực hiện các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình để phòng ngừa và điều trị nhồi máu cơ tim.
Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Bạn có thể chủ động phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng những cách sau:
Bạn hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là đo huyết áp, đường huyết và cholesterol máu. Nếu có các bệnh lý liên quan, như cao huyết áp, tiểu đường, cao cholesterol, bạn nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và kiểm soát các chỉ số này.
Bạn cần thực hiện một chế độ ăn có lợi cho tim mạch, bao gồm ăn nhiều rau quả tươi, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá giàu omega-3; hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, trans fat, cholesterol và muối. Bạn cũng nên uống nước đủ mỗi ngày và tránh uống rượu bia.
Bạn hãy tập thể dục thường xuyên theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên chuyên môn. Tập thể dục có thể giúp kiểm soát cân nặng, giảm áp lực máu, giảm cholesterol máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện tâm trạng. Bạn nên chọn những hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích của mình, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, nhảy dây…
Bạn cần bỏ hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhồi máu cơ tim, vì nó làm hại các mạch máu, tăng áp lực máu và gây hình thành huyết khối. Việc bỏ hút thuốc lá có thể giảm rõ rệt nguy cơ mắc bệnh tim mạch. [2]
Bạn nên có ý thức kiểm soát cân nặng và giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì. Tình trạng béo phì làm tăng gánh nặng cho tim và các mạch máu, gây ra các bệnh lý như cao huyết áp, cao cholesterol, tiểu đường. Việc giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bạn nên tránh căng thẳng, stress và tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý khi cần thiết. Sự căng thẳng hoặc stress có thể làm tăng áp lực máu và gây ra các hoạt động không lành mạnh như ăn uống quá mức, uống rượu bia hoặc hút thuốc lá. Bạn nên tìm những cách để giải tỏa stress, chẳng hạn như thiền, yoga, nghe nhạc, đọc sách, làm vườn… Bạn cũng nên trò chuyện nhiều hơn với gia đình, bạn bè hoặc tìm đến chuyên gia khi cảm thấy buồn chán, lo lắng hoặc trầm cảm.
Tập luyện là cách để phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Chế độ ăn uống dành cho người bị nhồi máu cơ tim như thế nào?
Chế độ ăn uống dành cho người bị nhồi máu cơ tim có những nguyên tắc sau [3]:
Bạn cần ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, vì chúng giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp giảm cholesterol máu, kiểm soát đường huyết và tạo cảm giác no lâu.
Bạn nên ưu tiên sử dụng dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải,…) thay cho mỡ động vật, vì chúng giàu chất béo không bão hòa và omega-3, giúp hạn chế xơ vữa động mạch và bảo vệ cơ tim.
Bạn hãy chọn thực phẩm giàu protein, ít chất béo như thịt nạc bỏ da, thịt gia cầm, các loại cá biển sâu giàu omega-3, sữa không béo hoặc ít béo, các loại đậu,… Protein là thành phần quan trọng để xây dựng và phục hồi các mô cơ.
Một chế độ ăn uống giàu muối kali giúp ích cho chức năng co bóp của cơ tim. Kali có trong các thực phẩm như mơ khô, nho khô, chà là,…
Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, trans fat và cholesterol, vì chúng làm tăng cholesterol xấu trong máu và gây xơ vữa tắc nghẽn các động mạch. Các thực phẩm này bao gồm thịt đỏ, nội tạng động vật và sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao, bơ, trứng, bánh ngọt và bánh quy có chứa mỡ thực vật được hydro hóa một phần.
Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu muối và đường, vì chúng làm tăng huyết áp, béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Các thực phẩm này bao gồm các loại bánh ngọt, nước ngọt, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhiều gia vị….
Bạn nên ăn uống đều đặn theo khẩu phần nhỏ và phù hợp với nhu cầu calo của cơ thể. Tổng lượng calo không nên vượt quá 1.100 Kcal/ngày. Lượng muối không nên quá 5 gram/ngày. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành 6 – 7 bữa mỗi ngày. Bữa cuối trong ngày nên ăn trước khi ngủ 3 tiếng.
Chế độ ăn nhiều rau củ quả tốt cho người bị nhồi máu cơ tim
Đó là những nguyên tắc về chế độ ăn uống dành cho người bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có được chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Tầm soát và khám tim mạch định kỳ là điều chúng ta cần thực hiện để phòng tránh nhồi máu cơ tim. Một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập khoa học, kiểm soát tốt cân nặng có vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này. Ngoài ra, cấp cứu kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ mạng sống cho người đột quỵ tim.
Đánh giá bài viết
Cập nhật lần cuối: 15:19 04/12/2023
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo
Thygesen, K., Alpert, J. S., & White, H. D. (2007). Universal definition of myocardial infarction. Circulation, 116(22), 2634–2653. https://doi.org/10.1161/circulationaha.107.187397
Harvard Health. (2023a, January 20). Heart attack (myocardial infarction). https://www.health.harvard.edu/a_to_z/heart-attack-myocardial-infarction-a-to-z
Website, N. (2023, July 31). Heart attack. nhs.uk. https://www.nhs.uk/conditions/heart-attack/
Sweis, R. N., & Jivan, A. (2023, October 26). Acute myocardial infarction (MI). MSD Manual Professional Edition. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/coronary-artery-disease/acute-myocardial-infarction-mi